BẾN BỜ THI CA Ở ĐÂU?
BẾN BỜ THI CA Ở ĐÂU?
Mục Đích Của Thơ
Bày tỏ tâm trạng, suy nghĩ trước cảnh đời bằng thể loại văn học có vần điệu.
Tiêu Chí Thẩm Định Giá Trị Của Bài Thơ
Ngôn ngữ hình tượng đẹp, đắc địa gợi cảm, câu cú ý nghĩa rõ ràng, chắc gọn, mượt mà, hoàn chỉnh trong cấu trúc ngữ pháp.
Bố cục hợp lý, hiệu quá.
Ý tứ sâu sắc, cao thượng, nhân bản,
Cảnh Báo Của Hai Triết Gia Hiện Sinh
Jean Paul Sartre: Con người (giả dối đến mức) đang trở thành một kẻ vong thân - đánh mất chính mình – (đánh mất “cái tôi đích thực”) (1)
Albert Camus: Con người đang để một kẻ xa lạ (giả dối quá mức) chiếm hữu thân xác mình (“cái tôi đích thực”) (1)
Những chữ trong ngoặc đơn là của PĐN.
Tiêu Chí Thẩm Định Giá Trị Của Bài Thơ Thay Đổi
Từ sau những lời cảnh báo của hai Triết Gia Hiện Sinh các tiêu chí để phán xét mức độ hay dở của bài thơ cũng dần dần thay đổi.
Bên cạnh 3 tiêu chí 1/ Ngôn ngữ, hình tượng, câu cú, 2/ Bố cục, 3/ Ý tứ - giống như ở phần trên giới thưởng thức thơ, bình thơ - cả những người làm thơ - còn để ý đến một tiêu chí khác: Sự chân thật của thi sĩ.
Thi Sĩ Có Xạo Không?
Con người, có cả thi sĩ, đều xạo.
Các Kiểu Xạo Trong Thơ
1/ Dối trá đời thường: Xạo vì mê danh, hám lợi, xạo vì hèn, vì teo chim - sợ cường quyền – sinh ra xu nịnh.
Kiểu xạo này có thể chữa trị, thuyên giảm nếu biết tu tập, rèn luyện nhân cách.
2/ Xạo do lối suy nghĩ, cách ứng xử truyền thống và sau này, lối suy nghĩ, cách ứng xử trong xã hội văn minh, đã thành thói quen, đã ăn sâu vào vô thức. Xạo mà không biết là mình xạo.
Kiểu xạo này gần như vô phương cứu chữa.
Siêu Thực Và Tượng Trưng “Diệt Xạo”
Luận điểm: Lý trí dính đến vô thức. Lý trí xuất hiện ở đâu ở đó có xạo.
1/ Siêu Thực giải trừ lý trí bằng cách “đưa mộng (mơ) vào thơ”.
Luận điểm: Khi ngủ cơ quan kiểm duyệt (của lý trí) không làm việc; chỉ trong mơ tâm hồn mới được tự do.
Kết quả: Không thành công
Lý do: Lúc tỉnh dậy, gom nhặt những gì xảy ra trong giấc mơ (thường là chỗ nhớ, chỗ quên) để đưa vào thơ thì lý trí ít nhiều cũng chen vào - chữ xạo lại xuất hiện. (1)
2/ Tượng Trưng giải trừ lý trí bằng cách đặt những chữ, nhóm chữ, hình tượng không liên quan cạnh nhau.
Thí dụ:
Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhái đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa
Luận điểm: Cắt đứt tiến trình suy nghĩ, lý trí sẽ chịu thua, bỏ đi.
Kết quả: Không thành công.
Lý do: Độc giả sẽ chẳng hiểu thi sĩ nói gì - chức năng truyền thông của bài thơ thất bại. (1)
Vẫn Có Cách Loại Lý Trí Khỏi Bài Thơ
Luận điểm: Khơi dòng để cảm xúc từ cơn cao hứng của thi sĩ tuôn chảy – sóng sau dồn sóng trước - mạnh đến mức làm thi sĩ “nổi điên”. Lý trí sẽ tạm thời trốn biệt.
Kết quả: Tùy mức độ hiện diện của lý trí lúc thi sĩ bộc lộ “điểm nòng cốt” của tứ thơ ta có những cung bậc của hồn thơ (con đẻ của sự chân thật) sau đây:
1/ Lý trí nắm toàn quyền lèo lái, bài thơ - dù cũng có “cái tôi riêng tư”, có cảm xúc tầng1, cảm xúc tầng 2 - vẫn rất khô cứng và không hồn.
Sau đó, tùy mức độ sụt giảm của của lý trí, hồn thơ xuất hiện với những cung bậc khác nhau:
Hồn thơ mới chớm, không đáng kể.
Hồn thơ phơn phớt nhẹ
Hồn thơ nhè nhẹ
Hồn thơ ở mức trung bình
Hồn thơ khá mạnh, tương đối mạnh
Hồn thơ mạnh
Hồn thơ rất mạnh, hồn thơ lai láng
Đây là lúc cảm xúc từ cơn cao hứng đã làm thi sĩ “nổi điên” (giận quá mất khôn, yêu quá hóa cuồng), lý trí chạy mất. “Chữ Xạo” cũng đội nón ra đi. Những gì nói ra, viết ra được xem là “lỡ lời”, thường bị chê trách vì đã làm phật ý, buồn lòng rất đông người quen với lối suy nghĩ, cách ứng xử, giao tiếp lịch sự của xã hội văn minh – nhưng lại là tiếng lòng hoàn toàn chân thật của thi sĩ.
Bài thơ đã được vinh dự bước vào Bến Bờ Thi Ca.
Khoảnh khắc quan trọng nhất của bài thơ là đoạn đường từ lúc bước vào mảng chính của tứ thơ cho đến lúc “bật ra” câu (hoặc vài câu) nòng cốt của cái mảng chính đó. “Lúc ‘bật ra’ câu (hoặc vài câu) nòng cốt của cái mảng chính đó” chính là CAO TRÀO của bài thơ.
Nếu bài thơ kết thúc ở cao trào, khi hồn thơ dâng lên cao ngất, thì cường độ của dòng cảm xúc truyền đến tâm hồn độc giả sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Kết Luận
Đến đây chắc độc giả yêu thơ đã có thể hình dung được “vị trí” của Bến Bờ Thi Ca. Riêng các thi sĩ đang muốn đưa thơ của mình đến gần (và bước vào) khu đất vinh dự đó thì tôi hy vọng rằng những bài viết trong Blog Lý Thuyết Thơ ABC này - đặc biệt là Phần 3: Bến Bờ Thi Ca và Phần 4: Đường Đến Bến Bờ Thi Ca - sẽ giúp quý vị đỡ phần nào thời gian và công sức mày mò tìm kiếm.
Chúc quý vị thành công.
Phạm Đức Nhì
lythuyetthoabc.blogspot.com
CHÚ THÍCH:
1/ Sẽ được giải thích cặn kẽ hơn ở link sau đây:
https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/ban-ve-chu-xao-trong-tho.html
Comments
Post a Comment